Tôi sinh ra trong một gia đình có nghề gia truyền: Làm đầu sư tử và mặt nạ. Tôi không biết nghề làm đầu Sư Tử có từ bao giờ? Chỉ được nghe ông ngoại và mẹ kể lại: đây là nghề truyền thống của gia đình họ Nguyễn, từ khi ông ngoại tôi còn bé xíu đã thấy các ông các bà làm cái nghề này rồi. Đến đời chúng tôi có lẽ nghề làm đầu sư tử và mặt nạ cũng được lưu truyền ít nhất qua 6 đến 7 thế hệ. Để có đầu sư tử và mặt nạ được bày bán vào mỗi dịp rằm trung thu, bố, mẹ, các cậu, các dì và cả chúng tôi nữa phải bắt tay chuẩn bị công việc từ nhiều tháng trước đó. Những cái khuôn sư tử, mặt nạ được bàn tay khéo léo của cậu
Hình 1: Nghề làm mặt nạ giấy bồi – Các nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi
Minh đắp từ đất sét tạo thành. Cậu rất khéo tay nên các khuôn câu đắp rất đẹp và cân đối. Những khuôn mẫu sau khi hoàn tất sẽ được phơi khô và bồi 1 lớp giấy bên ngoài ôm chặt vào khuôn đất cho láng mịn. Dựa trên các cốt đầu sư tử, mặt nạ, những tờ giấy báo cũ được xé, dán bằng hồ làm từ bột sắn, khi bồi
giấy đủ 3 hay 4 lớp tùy vào loại giấy và độ cứng mặt nạ đầu sư tử sẽ được mang phơi khô dưới nắng. Nhìn những bàn tay thoăn thoắt bồi những con sư tử, mặt nạ của mẹ và các dì mới thấy sự thuần thục và khéo léo trong từng động tác như các nghệ sĩ múa. Tôi và em trai khi đó còn nhỏ cứ loanh quanh bên cạnh nhìn mẹ và các dì làm, rồi chúng tôi cũng có việc để làm đó là mang những con sư tử vừa được mẹ và các dì bồi xong phơi trước sân nhà. Cái nắng mùa hè làm cho các con sử tử và mặt nạ nhanh khô lắm.
Hình 2: Mặt nạ giấy bồi truyền thống
Chúng tôi thỉnh thoảng lại ra sờ xem đã khô chưa để cất vào nhà….Ở nhà ai cũng được phân công các công việc phù hợp, em trai tôi nhỏ tuổi nhất, khi đó khoảng 6 tuổi thì được làm nhiệm vụ phơi đầu sư tử và mặt nạ, tôi thì cắt các viền giấy còn lem nhem khi bồi, rồi thì làm nẹp sử tử bằng những thanh lứa dẻo được uống cong vào khuôn đã khô, bồi thêm lớp giấy để cố định thanh lứa và nẹp cứng để khi người cầm đầu sư tử múa không bị rách. Chị tôi lớn hơn tôi 3 tuổi đã được mẹ dạy chị bồi. Bố và các cậu sẽ sơn những lớp sơn lên đầu sư tử những mầu sắc sặc sỡ. Công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ, trau chuốt nhưng quan trọng nhất là những nét vẽ mắt mũi trang trí cho đầu sư tử. Để vẽ nên cái hồn của sư tử người thợ vẽ phải sử dụng cây bút nét nhỏ như bút của các ông đồ viết chữ nho, sơn dùng để vẽ cũng được pha chế cẩn thận tạo được độ bóng và sắc nét, các nét vẽ lúc chắc nịch khi thì phóng khoán bay bổng đã làm nên những nét riêng độc đáo cho đầu sư tử. Có lẽ những nét tô vẽ cần trình độ nghệ thuật, sáng tạo, kinh nghiệm cao nên mặc dù nhiều người làm nhưng khi đến bước vẽ trang trí thì cũng chỉ có vài người trong
nhà làm được và giữ trọng trách quan trọng này.
Hình 3: Mặt nạ trung quốc tràn ngập thị trường
Để hoàn thiện đầu sư tử chúng tôi sẽ phải dán lên nó những quả bông bằng mút được nhuộm nhiều màu xanh, đỏ, vàng, trắng cuộn thành bông hoa gắn trên tai sư tử, cái miệng sư tử được dán râu làm bằng lông thỏ mầu trắng rất đẹp. Như thế là hoàn thành xong cái
đầu sư tử. Làm đầu sư tử gồm nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian và sự tinh tế nhất bởi Sư Tử từ xưa đến nay vốn là 1 con vật uy phong và linh thiêng. Làm mặt nạ thì đơn giản hơn làm đầu sư tử nhiều, các loại mặt nạ được bồi bằng khuôn hình ngộ nghĩnh như hình chí phèo, thị nở, tôn ngộ không, thỏ, lợn, hổ, báo…..xong phơi khô sau đó sơn và tô vẽ mầu theo đặc trưng của từng con vật hay nhân vật, cũng có thể biến tấu đi một chút để tạo thêm sự khác biệt và đáp ứng nhu cầu sở thích của nhiều trẻ em.
Hình 4: Mặt nạ trung quốc đa chủng loại
Đến dịp Trung thu, tôi lại thấy có người đến nhà lấy những đầu sư tử và mặt nạ mang đi, khi thì bố và các chú các cậu đưa hàng cho khách. Thích nhất vẫn là được theo mẹ và các dì lên chợ Trung Thu được tổ chức ở phố Hàng Mã bán đầu sư tử và mặt nạ. Là trẻ con, ai mà chẳng thích được đi chơi, được lên chợ để ngắm các
loại đồ chơi bày bán la liệt trên các sạp hàng. Chúng tôi chỉ được ngắm thôi chứ làm gì được mua đồ chơi như trẻ con bây giờ. Các đồ chơi khi đó đa phần là các đồ chơi được làm thủ công như đèn kéo quân, đèn cù, đèn ông sao, mặt nạ, tò he, búp bê được làm bằng len….Cái thời của chúng tôi, thế hệ của những đứa trẻ được sinh ra vào những năm đất nước vừa bước qua 2 cuộc chiến tranh tàn phá, những năm đầu hòa bình với cuộc sống khó khăn, vất vả…. Bố mẹ không có tiền để mua đồ chơi cho chúng tôi mỗi dịp trung thu đến nhưng năm nào mẹ cũng cho chị em chúng tôi 1 cái đầu sư tử, vài cái mặt nạ để phá cỗ Trông Trăng với bọn trẻ trong xóm. Chúng tôi dần lớn, chị em tôi đã được bố mẹ dạy cho từng bước để hoàn thiện 1 cái đầu sư tử. Tôi còn nhớ như in cái ngày tôi được bồi con sư tử con con theo sự hướng dẫn của mẹ. Sản phẩm tôi làm ra chưa đẹp nhưng tôi thấy thích thú lắm, tôi ngắm nghía nó thật lâu và đi khoe mọi người sản phẩm đầu tay của mình. Ký ức đó vẫn luôn đi theo tôi đến tận bây giờ.
Theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cũng đã thay đổi khi đồ chơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, kiểu dáng và mẫu mã đa dạng đã thu hút thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm chúng tôi làm ra không được giới trẻ ưa chuộng nữa do không thích các đồ chơi truyền thống. Các sản phẩm làm ra không có người mua làm mất đi sự tâm huyết của nhiều người. Nếu như trước đây cả sáu gia đình anh chị em của mẹ tôi đều làm đầu sư tử và mặt nạ thì nay chỉ còn vợ chồng Cậu Minh vẫn túc tắc theo nghề. Dù biết rằng cái nghề cha truyền con nối ấy tuy không làm cho gia đình tôi trở nên giàu có nhưng cũng là nguồn thu nhập ổn định để bố mẹ nuôi được chúng tôi ăn học nên người. Nhưng gia đình tôi cũng không còn làm nghề này nữa do sức khỏe của bố mẹ tôi đã yếu. Ba
chị em tôi bây giờ đã trưởng thành, mỗi người làm việc ở một lĩnh vực khác nhau. Nhưng những câu chuyện của chúng tôi đều xoay quanh chủ đề “ làm thế nào để bảo tồn nghề truyền thống của gia đình:
Nghề làm đầu sư tử và mặt nạ” .
Thực tế đã cho ta thấy rất nhiều nghề truyền thống bị mai một, mất đi do không cạnh tranh được với các sản phẩm hiện đại, mẫu mã sản phẩm không phong phú, đa dạng, thiếu sáng tạo, các công đoạn thực hiện bằng tay nên đa phần chất lượng không đều… mặt khác, các hộ gia đình không được các cấp chính quyển
quan tâm, khuyến khích. Chúng tôi luôn đau đáu nghĩ về một ngày nào đó, Cậu tôi già yếu không làm được nữa, các em họ của tôi cũng không theo nghề, vậy thì cái nghề truyền thống của ông cha để lại, cái tinh hoa, công sức vun đắp bao đời nếu không được con cháu nối tiếp có còn đến đời sau?
Hiện nay các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam tràn lan không có các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm. Mặc dù các đồ chơi Trung Quốc được tạo ra từ các nguyên liệu rẻ tiền, có rất nhiều chất hóa học có hại cho sức khoẻ con người nhưng với mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ…. một bộ phận không nhỏ người dân vẫn mua các đồ chơi có hại cho con cái. Tôi cũng có con nhỏ, nhu cầu được chơi đồ chơi hằng ngày của con trẻ là rất quan trọng, nhưng tôi không muốn con mình tiếp xúc với các chất có hại cho sức khoẻ. Nhưng nếu mua các đồ chơi được kiểm định chất lượng mang tiêu chuẩn quốc tế thì khả năng kinh tế của tôi không cho phép. Tôi muốn con tôi được tiếp xúc với các loại đồ chơi có chất lượng đảm bảo cho sức khoẻ nhưng với giá tiền phù hợp với kinh tế của người dân Việt Nam. Tạo cho trẻ em món đồ chơi truyền thống như đầu sư tử, các loại mặt nạ…. không chỉ được làm từ những vật liệu gần gũi với con người, ít ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn mang đậm hồn dân tộc, giúp các em thiếu nhi thêm hiểu biết về những nét đẹp văn hóa dân gian.
Chúng Tôi muốn bảo tồn các tinh hoa của cha ông với những sản phẩm truyền thống như đầu sư tử, mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Thỏ, Hổ, Báo, Trâu….Bên cạnh đó làm các sản phẩm mặt nạ mang tính hiện đại theo xu hướng trên thế giới….Và một phần nữa tôi muốn dành cho các em những tìm
hiểu thú vị nghề truyền thống này, mong các em cũng sẽ tìm được cảm giác thích thú giống tôi khi tôi lần đầu tiên được mẹ hướng dẫn để làm ra sản phẩm đầu tay của mình.
Website: https://vietmasks.com/